Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Nghệ An xin được chia sẻ với quý vị về những quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng như sau.
Nguồn Internet
Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô thuộc mã ngành kinh tế Việt Nam 4931. Việc thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô cần đáp ứng các điều kiện sau
1. Đối tượng được đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô
Việc đăng ký kinh doanh ngành nghề này hoàn toàn dễ dàng tuy nhiên khi xin giấy phép con tại Sở giao thông vận tải các bạn lưu ý. Trường hợp công ty, hộ kinh doanh không thuê người quản lý điều hành đáp ứng điều kiện về người đứng đầu hộ kinh doanh, người đại diện theo pháp luật/ giám đốc công ty phải có đủ điều kiện sau
– Có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên hoặc trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác;
– Tham gia công tác quản lý vận tải tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 03 (ba) năm trở lên;
– Bảo đảm và phải chứng minh có đủ thời gian cần thiết để trực tiếp điều hành hoạt động vận tải.
2. Quy định đối với xe ô tô vận tải hành khách theo Hợp đồng
– Niêm yết: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe. Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư này.
– Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe.
– Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.
– Phù hiệu xe: Có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” theo mẫu quy định
– Niên hạn sử dụng: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau:
+ Cự ly trên 300 ki lô mét: Không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở người; từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng;
+ Cự ly từ 300 ki lô mét trở xuống: Không quá 20 năm đối với xe ô tô sản xuất để chở người; không quá 17 năm đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành xe ô tô chở khách.
– Số lượng xe: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vịkinh doanh vận tải khách du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng xe tối thiểu như sau:
+ Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 10 xe trở lên;
+ Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 05 xe trở lên, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 03 xe trở lên.
3. Đăng ký thành lập doanh nghiệp trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh
Như đã nói đây thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do đó các bạn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh lưu ý đăng ký đủ các tiêu chí để đảm bảo xin giấy phép con sau này
– Tên công ty không trùng lẫn hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác theo quy định của Luật doanh nghiệp.
– Ngành nghề kinh doanh có mã ngành tương ứng với lĩnh vực hoạt động.
– Địa chỉ công ty không đặt tại chung cư, nhà tập thể hoặc các địa điểm theo quy định không được dùng làm trụ sở công ty ví dụ: Nhà xây trên đất nông nghiệp, đất dự án chưa chuyển đổi mục đích,…
– Địa chỉ bãi đỗ xe có ghi nhận trên đăng ký kinh doanh (Các bạn có thể bổ sung địa chỉ này vào mục 11 của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
4. Điều kiện để sở giao thông vận tải cấp phép kinh doanh vận chuyển hành khách bằng ô tô cho doanh nghiệp
* Đơn vị kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã cần:
– Có Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo quy định của pháp luật.
– Có phương án kinh doanh, trong đó bảo đảm thời gian thực hiện hành trình chạy xe, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật của xe; Số lượng phương tiện phải phù hợp với phương án kinh doanh. Phải bố trí đủ số lượng lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phù hợp phương án kinh doanh và các quy định của pháp luật
– Người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã (đảm nhận một trong các chức doanh: Giám đốc, Phó giám đốc; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã; trưởng bộ phận nghiệp vụ điều hành vận tải) phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện:
+ Có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên hoặc trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác;
+ Tham gia công tác quản lý vận tải tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô từ 03 (ba) năm trở lên;
+ Bảo đảm và phải chứng minh có đủ thời gian cần thiết để trực tiếp điều hành hoạt động vận tải.
– Có nơi đỗ xe:
+ Đủ diện tích đỗ xe theo phương án kinh doanh của doanh nghiệp,
+ Đảm bảo các yêu cầu về trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
+ Diện tích đỗ xe của đơn vị có thể thuộc quyền sở hữu của đơn vị hoặc hợp đồng thuê địa điểm đỗ xe
– Tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan về du lịch;
* Về phương tiện
– Niên hạn sử dụng: ≤ 10 năm.
– Ghi tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân hoặc hai bên cánh cửa xe.
– Trên xe có trang bị bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm
– Có đăng ký và gắn biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp
+ Xe ôtô thuộc quyền sở hữu của đơn vị
+ Xe ô tô thuê của tổ chức cho thuê tài chính, xe ô tô thuê của tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã phải có cam kết kinh tế giữa xã viên và hợp tác xã, trong đó quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành của hợp tác xã đối với xe ô tô thuộc sở hữu của xã viên hợp tác xã.
– Phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
– Văn bản chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch của cơ quan thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Sở Giao thông vận tải cấp biển hiệu cho xe ô tô tham gia hoạt động vận chuyển khách du lịch.
*Về lái xe và nhân viên phục vụ trên xe
– Lái xe: có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh, có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển; không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.
– Nhân viên phục vụ trên xe: có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh, được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải khách, an toàn giao thông theo quy định.
– Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 30 (ba mươi) chỗ ngồi trở lên phải có nhân viên phục vụ trên xe (trừ xe hợp đồng chuyên đưa đón công nhân đi làm tại các khu công nghiệp, đưa đón học sinh và sinh viên đi học).
Trên đây là những thông tin về các yêu cầu, những điều kiện cũng như quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng mà trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Nghệ An muốn gửi đến quý vị, hy vọng những thông tin của trung tâm sẽ mang lại những điều bổ ích cho quý vị.