Đặt tên cho một công ty hay một sản phẩm là một điều hết sức khó khăn cho các nhà kinh doanh. Rất nhiều sản phẩm và công ty có tên gọi thu hút được cảm tình trong khi có những cái tên lại làm cho người khác hoang mang. Có những cái tên tưởng rằng thành công nhưng lại thất bại và những cái tên nghe có vẻ như rất hoàn hảo thì lại vô cùng lạc lõng. Vậy các doanh nghiệp tự tìm kiếm một cái tên hoàn hảo cho công ty, sản phẩm hay thương hiệu của mình như thế nào? Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Nghệ An xin chia sẻ với quý vị về cách đặt tên công ty và một số sai lầm khi đặt tên công ty- thương hiệu như sau.
Nguồn Internet
Sai lầm khi xem nhẹ việc đặt tên công ty:
Việc đặt tên công ty là một trong những điều vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, chính việc đặt tên công ty đã là quyết định tới 30% sự thành công của Doanh nghiệp.
Tên phải ngắn gọn và dễ nhớ:
Sài lầm mà bạn hay phải gặp phải là cố tình lấy tên theo kiểu Công ty thương mại và sản xuất …, công ty dịch vụ và sản xuất…. công ty xây dựng và phát triển …., hay công ty công nghệ và đầu tư….., tất cả người Việt Nam cứ cố tình nhồi nhét thật nhiều cái ngành nghề cho vào tên công ty, hoặc cố tình cho vào dạng chung chung hoành tráng nghe cho nó oai như dạng: Công ty đầu tư và phát triển công nghệ Việt nam, Công ty thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Việt Nam….
Lựa chọn một tên ngắn gọn, dễ nhớ, độc đáo sẽ là thương hiệu của bạn thật sự vì:
– Tên quá dài dẫn tới việc in ấn tốn kém, thiết kế Name card khó khăn….
– Tên dài sẽ khó cho việc khách hàng nhớ tới hoặc ngay cả nhân viên của bạn
– Tên chung chung thì đương nhiên bạn không thể bảo hộ được thương hiệu, vì các yếu tố chung chung như Việt Nam, đầu tư, công nghệ, nội thất,… đều là yếu tố chung, không ai được độc quyền
Trước khi đặt tên doanh nghiệp bạn cần phải tra cứu thương hiệu:
Trước khi đặt tên cho công ty thì phải thực hiện việc tra cứu thương hiệu trước vì tên công ty hay còn gọi là tên thương mại, chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Doanh nghiệp, vậy nên có rất nhiều tên công ty na ná giống nhau mà vẫn được vì họ có các tiền tố phụ đi kèm như: Công ty TNHH Tư vấn Thành công, Công ty TNHH tư vấn và dịch vụ đầu tư Thành Công, công ty Du lịch và thương mại Thành công….
Nhưng bạn phải hết sức cẩn thận, ngay cả khi bạn có thể thành lập công ty với cái tên đó thì bạn chưa hẳn đã đăng ký độc quyền được thương hiệu Thành công, vậy nên bạn đã sai lầm ngay từ bước đầu tiên, việc bạn có thành lập 100 công ty thì cũng chẳng có thương hiệu nào là của bạn đâu, vậy thì bạn cần phải tiến hành việc đầu tiên là phải tra cứu thương hiệu trước, xem là thương hiệu nào mình có thể đăng ký độc quyền được thì mình hãy tính tới chuyện đặt tên công ty.
Vậy bạn nên lựa trọn đơn vị nào để tra cứu, bạn có nên tự ý tra cứu trên mạng hay không?
Không phải thông tin trên mạng là chính xác vì nó chỉ là dữ liệu để bạn tham khảo, cơ sở dữ liệu chỉ chiếm khoảng 30-40% nên bạn vẫn cần phải thông qua đơn vị dịch vụ để tra cứu cho đầy đủ và chính xác, và quan trọng nữa là đơn vị đó phải có các chuyên gia đánh giá chính xác xem là thương hiệu đó có được bảo hộ hay không, vì đôi khi tra cứu thấy thông tin rồi nhưng vẫn không đủ khẳn năng và kinh nghiệm để đánh giá được thương hiệu đó có khả năng bảo hộ hay không.
Tên Doanh nghiệp phải đúng luật:
Thật ra đây là yêu cầu quan trọng nhất, vì dù bạn đã chọn được một cái tên hay và có ý nghĩa đối với bạn nhưng khi kiểm tra lại không đúng với quy định của pháp luật thì cũng không thể trở thành hiện thực.
Tên của Doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu về pháp lý như sau:
1. Yêu cầu của việc đặt tên Doanh nghiệp:
a. Tên Doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phát âm được và phải có hai thành tố sau đây:
– Thành tố thứ nhất: Loại hình Doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, cụm từ trách nhiệm hữu hạn có thể viết tắt là TNHH; công ty cổ phần, từ cổ phần có thể viết tắt là CP; công ty hợp danh, từ hợp danh có thể viết tắt là HD; doanh nghiệp tư nhân, từ tư nhân có thể viết tắt là TN.
– Thành tố thứ hai: Tên riêng của Doanh nghiệp.
Riêng Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của Doanh nghiệp.
b. Doanh nghiệp có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư hay yếu tố phụ trợ khác để cấu thành tên riêng của Doanh nghiệp nếu Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó. Khi không còn kinh doanh ngành, nghề hoặc thực hiện hình thức đầu tư đã dùng để cấu thành tên riêng của Doanh nghiệp thì Doanh nghiệp phải đăng ký đổi tên.
c. Nếu tên riêng của Doanh nghiệp sử dụng các thành tố có tính chất mô tả xuất xứ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ thì phải được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận.
2. Những điều cấm trong đặt tên Doanh nghiệp
2.1. Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của Doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định này không bao gồm Doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2.2. Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của Doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
2.3. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho Doanh nghiệp.
2.4. Không được sử dụng tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký bảo hộ để cấu thành tên riêng của Doanh nghiệp trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại đó. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định này. Trường hợp tên của Doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.
3.Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
3.1. Tên trùng là trường hợp tên của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của Doanh nghiệp đã đăng ký.
3.2. Các trường hợp sau đây được coi là gây nhầm lẫn với tên của các Doanh nghiệp khác:
a) Tên bằng tiếng Việt của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên Doanh nghiệp đã đăng ký.
b) Tên bằng tiếng Việt của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên Doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”; ký hiệu “-” ; chữ “và”.
c) Tên viết tắt của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của Doanh nghiệp khác đã đăng ký.
d) Tên bằng tiếng nước ngoài của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của Doanh nghiệp khác đã đăng ký.
đ) Tên riêng của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của Doanh nghiệp đã đăng ký bởi một hoặc một số các số tự nhiên, số thứ tự hoặc một hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A, B, C,…) ngay sau tên riêng của Doanh nghiệp đó, trừ trường hợp Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký.
e) Tên riêng của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của Doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước, hoặc “mới” ngay sau tên của Doanh nghiệp đã đăng ký.
g) Tên riêng của Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của Doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự; trừ trường hợp Doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là Doanh nghiệp con của Doanh nghiệp đã đăng ký.
h) Tên riêng của Doanh nghiệp trùng với tên riêng của Doanh nghiệp đã đăng ký.
Trên đây là những thông tin về cách đặt tên công ty và một số sai lầm khi đặt tên công ty- thương hiệu mà trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Nghệ An muốn chia sẻ với các bạn. Tên và thương hiệu gắn liền với sự thành công của các doanh nghiệp. Mọi vấn đề còn thắc mắc quý vị hãy liên hệ với trung tâm để được hướng dẫn cụ thể hơn.