Xuất khẩu lao động đang được nhiều công ty tiến hành, xong nếu không đảm bảo đúng quy định và yêu cầu của nhà nước đề ra thì sẽ bị thu hồi lại. Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Nghệ An xin chia sẻ với quý vị những thủ tục nộp lại, thu hồi giấy phép xuất khẩu lao động như sau.
Nguồn Internet
Các trường hợp bị thu hồi Giấy phép xuất khẩu lao động
– Không làm thủ tục đổi Giấy phép xuất khẩu lao động khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh hoặc không được đổi Giấy phép do không được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận đổi.
– Không đảm bảo một, một số hoặc tất cả các điều kiện được cấp Giấy phép sau:
+ Không đảm bảo mức vốn pháp định theo quy định. Mức vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 05 tỷ đồng.
+ Không trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
+ Không đảm bảo mức tiền ký quỹ tại ngân hàng. Mức ký quỹ là một trong những điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. Mức ký quỹ trong thời gian hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp luôn ở mức 01 tỷ đồng.
+ Không có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
– Không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép.
– Vi phạm một trong các quy định sau:
+ Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
+ Giao nhiệm vụ điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho người đã quản lý doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép hoặc người đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên do vi phạm quy định của pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
+ Đi làm việc hoặc đưa người lao động đi làm việc ở khu vực, ngành, nghề và công việc bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận người lao động cho phép.
+ Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài.
+ Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động.
+ Tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc khi chưa đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.
+ Doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người lao động.
Thẩm quyền ra quyết định thu hồi
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là người trực tiếp ký quyết định thu hồi Giấy phép xuất khẩu lao động đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.
Thủ tục nộp lại Giấy phép:
Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 15 của Luật, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc chấm dứt hoạt động, nộp lại cho Cục Quản lý lao động ngoài nước Giấy phép đã được cấp và báo cáo về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài; số lượng người lao động đã tuyển chọn đối với những hợp đồng còn hiệu lực, các khoản đóng góp của người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài; việc đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật, trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp dịch vụ báo cáo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc hoàn thành nghĩa vụ kèm theo các tài liệu chứng minh việc hoàn thành các nghĩa vụ đó. Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét và có văn bản để doanh nghiệp rút tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
Thủ tục thu hồi Giấy phép:
Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có quyết định thu hồi Giấy phép, doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại cho Cục Quản lý lao động ngoài nước Giấy phép đã được cấp và báo cáo về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài; số lượng người lao động đã tuyển chọn đối với những hợp đồng còn hiệu lực, các khoản đóng góp của người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài; việc đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật và trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp dịch vụ báo cáo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc hoàn thành nghĩa vụ kèm theo các tài liệu chứng minh việc hoàn thành các nghĩa vụ đó. Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét và có văn bản để doanh nghiệp rút tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục nộp lại, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để biết thêm thông tin chi tiết, quý vị hãy liên hệ với đội ngũ nhân viên của trung tâm để được hướng dẫn thêm.